1 Hạnh phúc ! Mon Mar 16, 2009 7:22 pm
MsChip
Quản Trị Viên
Sáng nay, Phương sang rủ Vân đi học, tiếng bác Lâm - bố Vân nhắc vọng ra: “Rét về rồi, ra ngoài nhớ mặc áo ấm nghe con” khiến Phương thấy sống mũi mình cay cay. Nó cảm động trước sự lo lắng, quan tâm của bố Vân. Nó thấy Vân thật may mắn và hạnh phúc. Nó thèm cảm giác được có Bố và nó chợt nhớ Bố da diết...
Cái hanh hanh, khô khô và se sắt của những cơn gió đầu đông đủ để người ta rùng mình đến gai người. Song chính giữa khoảng không rộng lớn, vắng vẻ nơi nghĩa trang này Phương lại thấy bình yên và thanh thản hơn. Nó bước nhanh về phía mộ Bố như mong muốn sớm tìm được cảm giác yêu thương, vỗ về, được Bố lắng nghe, động viên và chia sẻ. Cũng chính trong giây phút tĩnh lặng nhưng thực sự giá trị này lại ùa về trong Phương những ký ức yêu thương, những kỷ niệm ngọt ngào bên Bố.
... Phương nhớ, hồi bé nó rất nũng nịu. Lần nào trước khi đi ngủ nó cũng đòi nắm ngón tay út của Bố rồi mới chịu nhắm mắt ngủ ngon lành. Đến bây giờ Phương vẫn không hiểu tại sao khi bé xíu nó lại có thói quen đó. Phải chăng, lúc ấy nó cảm thấy an toàn nhất, yên tâm nhất, ấm áp nhất bởi nó được chở che.
... Phương nhớ, năm nó ba, bốn tuổi, nó nhất định không chịu đi nhà trẻ. Nó lẽo đẽo theo Bố đi làm. Nó được Bố gửi ở quán nước của một bà cụ tóc bạc đối diện nơi Bố làm. Nó được Bà dạy hát, dạy đọc thơ bài Mồng một tháng sáu, bài Bà còng hay bài Mèo con... Nó được ăn những chiếc bánh gatô nhỏ hình vuông, bốn xung quanh trang trí bằng những lớp kem hồng hồng rất đẹp. Và đặc biệt nó được nhìn lên tháp nước cao cao để vẫy tay chào Bố. Bố là người đầu tiên đem đến cho nó niềm vui và hãnh diện vì ngày nào cũng được đến cơ quan cùng Bố.
... Phương nhớ, trước khi nó vào lớp 1, Bố tỉ mỉ, kiên nhẫn dạy nó tập viết. Bài học nhỏ Bố truyền đạt từ thuở vỡ lòng: “Khi viết con phải cố gắng xoay tròn, đều viên phấn để chữ sắc nét, đều và đẹp” không bao giờ Phương quên. Nó phổng mũi, hí hửng đầy sung sướng khi được mọi người khen chữ đẹp. Nó vui và tự hào về người thầy đầu tiên là Bố.
... Phương nhớ, hồi Phương học lớp 5, Bố đã kể cho nó nghe câu chuyện đạo đức “Bố bẩn để các con sạch” – một bài học giản dị về tình yêu và sự trân trọng đối với những người lao động bình thường. Nhờ Bố, Phương đã nhận ra những cô lao công, những chú công nhân sửa chữa đường cống, những bác đạp xích lô.. là những con người thực sự vĩ đại. Cũng từ đó, Phương có một thói quen mới - thói quen được hình thành từ tình cảm và nhận thức rất hồn nhiên của cô bé mườimột tuổi – thói quen thích được hít hít mùi mồ hôi khen khét thân thương trên chiếc áo bảo hộ màu xanh của Bố.
... Phương nhớ, hôm nó đi thi học sinh giỏi thành phố môn Lịch sử, Bố đã xin nghỉ làm để chở nó đến trường Ngô Quyền. Bố đưa nó đến một quán phở ngon nổi tiếng thưởng cho cả hai bố con một bữa sáng đặc biệt. Nó không nghĩ là nó học lớp mười hai rồi mà vẫn được Bố quan tâm đến vậy. Và nó không nghĩ là 3 tiếng nó miệt mài trong phòng thi thì cũng là ba tiếng đồng hồ Bố đứng ngoài cổng trường chờ đợi, lo lắng và cầu mong cho nó thi tốt. Nó đã cố gắng làm bài và dành tặng Bố một giải thưởng khiêm tốn nhưng “quy mô” nhất của nó - giải ba.
... Phương nhớ, năm nó trượt kỳ thi Đại học. Nó đã khóc rất nhiều bởi nó không thể tin đó là sự thật. Bao nhiêu hy vọng, ước mơ, dự định, khát khao bỗng chốc tan bay như bong bóng xà phòng. Nó thấy mệt mỏi, chán chường, gục ngã vì thất vọng. Nhưng chính Bố đã hun đúc ý chí quyết tâm của nó, đã động viên nó đứng dậy, bước tiếp và tiến tiếp chỉ bằng một câu nói mà Bố bảo là đã đọc được trong một cuốn sách: “Hãy học theo thái độ của một dòng sông, con ạ. Khi gặp trở ngại, khó khăn thì đi vòng để tránh chứ không đi lui”. Lần đầu tiên, nó gục vào lòng Bố oà lên nức nở. Lần đầu tiên, nó biết được rằng: Có hơn một cách, hơn một lối đi để đến được đích, để theo đuổi, chinh phục những ước mơ. Và nó đã không phụ lòng tin của Bố.
... Phương nhớ, khi nó là sinh viên năm thứ hai thì Bố ốm rất nặng. Nó không muốn, không tin, không chấp nhận thì sự thực vẫn là sự thực: Bố không thể ở bên Phương và gia đình được mãi. Nó đã khóc ngất đi bên giường bệnh của Bố.
“Muộn rồi, trời lại đang trở lạnh, về nhà đi con” - Tiếng Bố trầm ấm, nhẹ nhàng, vang vọng. Phương thảng thốt nhìn quanh rồi khẽ “Dạ”. Phương biết Bố nhắc nhở vì không muốn nó buồn hơn. Lau nhanh những giọt nước mắt đang lăn dài trên má, Phương lễ phép chào Bố để về . Không còn cảm giác cô đơn, không còn thấy tủi thân, bất ổn. Phương hít một hơi thật sâu, mùi trầm hương nồng nàn trong gió, nó thấy ấm lòng, tự tin và cứng cỏi hơn rất nhiều. Phương hiểu đó là sức mạnh của tâm linh - thứ sức mạnh mà Bố dành tặng cho Phương từ tình yêu lớn lao của Bố. Hơn lúc nào hết, nó cảm thấy thật hạnh phúc.
Phương chợt nhớ đến một câu nói trong cuốn sách “100 Simple secrets of happy people” của tác giả David Niven mà Bố mua tặng Phương khi nó bắt đầu cuộc sống của một sinh viên trọ học xa nhà: “Hạnh phúc là biết giữ gìn và tìm được sức mạnh tinh thần từ những kỷ niệm, ký ức yêu thương ngay cả khi nó không còn hiện diện trong hiện tại.” Phương thì thầm hứa trước vong linh Bố: “Con cảm ơn Bố vì Bố đã dạy cho con một bài học thật giản dị và ý nghĩa về hạnh phúc. Con là một cô bé hạnh phúc. Chính vì vậy, con sẽ không bao giờ gục ngã và bỏ cuộc Bố ạ.”
Cái hanh hanh, khô khô và se sắt của những cơn gió đầu đông đủ để người ta rùng mình đến gai người. Song chính giữa khoảng không rộng lớn, vắng vẻ nơi nghĩa trang này Phương lại thấy bình yên và thanh thản hơn. Nó bước nhanh về phía mộ Bố như mong muốn sớm tìm được cảm giác yêu thương, vỗ về, được Bố lắng nghe, động viên và chia sẻ. Cũng chính trong giây phút tĩnh lặng nhưng thực sự giá trị này lại ùa về trong Phương những ký ức yêu thương, những kỷ niệm ngọt ngào bên Bố.
... Phương nhớ, hồi bé nó rất nũng nịu. Lần nào trước khi đi ngủ nó cũng đòi nắm ngón tay út của Bố rồi mới chịu nhắm mắt ngủ ngon lành. Đến bây giờ Phương vẫn không hiểu tại sao khi bé xíu nó lại có thói quen đó. Phải chăng, lúc ấy nó cảm thấy an toàn nhất, yên tâm nhất, ấm áp nhất bởi nó được chở che.
... Phương nhớ, năm nó ba, bốn tuổi, nó nhất định không chịu đi nhà trẻ. Nó lẽo đẽo theo Bố đi làm. Nó được Bố gửi ở quán nước của một bà cụ tóc bạc đối diện nơi Bố làm. Nó được Bà dạy hát, dạy đọc thơ bài Mồng một tháng sáu, bài Bà còng hay bài Mèo con... Nó được ăn những chiếc bánh gatô nhỏ hình vuông, bốn xung quanh trang trí bằng những lớp kem hồng hồng rất đẹp. Và đặc biệt nó được nhìn lên tháp nước cao cao để vẫy tay chào Bố. Bố là người đầu tiên đem đến cho nó niềm vui và hãnh diện vì ngày nào cũng được đến cơ quan cùng Bố.
... Phương nhớ, trước khi nó vào lớp 1, Bố tỉ mỉ, kiên nhẫn dạy nó tập viết. Bài học nhỏ Bố truyền đạt từ thuở vỡ lòng: “Khi viết con phải cố gắng xoay tròn, đều viên phấn để chữ sắc nét, đều và đẹp” không bao giờ Phương quên. Nó phổng mũi, hí hửng đầy sung sướng khi được mọi người khen chữ đẹp. Nó vui và tự hào về người thầy đầu tiên là Bố.
... Phương nhớ, hồi Phương học lớp 5, Bố đã kể cho nó nghe câu chuyện đạo đức “Bố bẩn để các con sạch” – một bài học giản dị về tình yêu và sự trân trọng đối với những người lao động bình thường. Nhờ Bố, Phương đã nhận ra những cô lao công, những chú công nhân sửa chữa đường cống, những bác đạp xích lô.. là những con người thực sự vĩ đại. Cũng từ đó, Phương có một thói quen mới - thói quen được hình thành từ tình cảm và nhận thức rất hồn nhiên của cô bé mườimột tuổi – thói quen thích được hít hít mùi mồ hôi khen khét thân thương trên chiếc áo bảo hộ màu xanh của Bố.
... Phương nhớ, hôm nó đi thi học sinh giỏi thành phố môn Lịch sử, Bố đã xin nghỉ làm để chở nó đến trường Ngô Quyền. Bố đưa nó đến một quán phở ngon nổi tiếng thưởng cho cả hai bố con một bữa sáng đặc biệt. Nó không nghĩ là nó học lớp mười hai rồi mà vẫn được Bố quan tâm đến vậy. Và nó không nghĩ là 3 tiếng nó miệt mài trong phòng thi thì cũng là ba tiếng đồng hồ Bố đứng ngoài cổng trường chờ đợi, lo lắng và cầu mong cho nó thi tốt. Nó đã cố gắng làm bài và dành tặng Bố một giải thưởng khiêm tốn nhưng “quy mô” nhất của nó - giải ba.
... Phương nhớ, năm nó trượt kỳ thi Đại học. Nó đã khóc rất nhiều bởi nó không thể tin đó là sự thật. Bao nhiêu hy vọng, ước mơ, dự định, khát khao bỗng chốc tan bay như bong bóng xà phòng. Nó thấy mệt mỏi, chán chường, gục ngã vì thất vọng. Nhưng chính Bố đã hun đúc ý chí quyết tâm của nó, đã động viên nó đứng dậy, bước tiếp và tiến tiếp chỉ bằng một câu nói mà Bố bảo là đã đọc được trong một cuốn sách: “Hãy học theo thái độ của một dòng sông, con ạ. Khi gặp trở ngại, khó khăn thì đi vòng để tránh chứ không đi lui”. Lần đầu tiên, nó gục vào lòng Bố oà lên nức nở. Lần đầu tiên, nó biết được rằng: Có hơn một cách, hơn một lối đi để đến được đích, để theo đuổi, chinh phục những ước mơ. Và nó đã không phụ lòng tin của Bố.
... Phương nhớ, khi nó là sinh viên năm thứ hai thì Bố ốm rất nặng. Nó không muốn, không tin, không chấp nhận thì sự thực vẫn là sự thực: Bố không thể ở bên Phương và gia đình được mãi. Nó đã khóc ngất đi bên giường bệnh của Bố.
“Muộn rồi, trời lại đang trở lạnh, về nhà đi con” - Tiếng Bố trầm ấm, nhẹ nhàng, vang vọng. Phương thảng thốt nhìn quanh rồi khẽ “Dạ”. Phương biết Bố nhắc nhở vì không muốn nó buồn hơn. Lau nhanh những giọt nước mắt đang lăn dài trên má, Phương lễ phép chào Bố để về . Không còn cảm giác cô đơn, không còn thấy tủi thân, bất ổn. Phương hít một hơi thật sâu, mùi trầm hương nồng nàn trong gió, nó thấy ấm lòng, tự tin và cứng cỏi hơn rất nhiều. Phương hiểu đó là sức mạnh của tâm linh - thứ sức mạnh mà Bố dành tặng cho Phương từ tình yêu lớn lao của Bố. Hơn lúc nào hết, nó cảm thấy thật hạnh phúc.
Phương chợt nhớ đến một câu nói trong cuốn sách “100 Simple secrets of happy people” của tác giả David Niven mà Bố mua tặng Phương khi nó bắt đầu cuộc sống của một sinh viên trọ học xa nhà: “Hạnh phúc là biết giữ gìn và tìm được sức mạnh tinh thần từ những kỷ niệm, ký ức yêu thương ngay cả khi nó không còn hiện diện trong hiện tại.” Phương thì thầm hứa trước vong linh Bố: “Con cảm ơn Bố vì Bố đã dạy cho con một bài học thật giản dị và ý nghĩa về hạnh phúc. Con là một cô bé hạnh phúc. Chính vì vậy, con sẽ không bao giờ gục ngã và bỏ cuộc Bố ạ.”